Thoái hóa khớp gối là một dạng tổn thương làm suy giảm chức năng của đầu sụn khớp gối. Thoái hóa khớp gối được chia thành 4 giai đoạn theo tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp của Kellgren và Lawrence. Đây là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh khớp ở người trung niên và người cao tuổi.
Giai đoạn 1: Thoái hóa khớp gối độ 1: Người bệnh có thể nhận biết thông qua hình ảnh chụp X quang. Kết quả thu được cho thấy khe khớp của bệnh nhân vẫn có biểu hiện bình thường. Tuy nhiên, một vài gai xương nhỏ bắt đầu hình thành. Lúc này, người bệnh sẽ có những biểu hiện lâm sàng như sau:
- Giai đoạn khởi phát, người mắc thoái hóa khớp gối không có biểu hiện cụ thể. Bởi khớp gối chưa xuất hiện tổn thương đến mức bộc phát triệu chứng.
- Người bệnh vẫn vận động bình thường. Đôi khi những cơn đau sẽ xuất hiện khi người bệnh vận động mạnh và liên tục ở khu vực khớp gối. Chẳng hạn như hoạt động đi lên cầu thang, ngồi xổm hoặc đứng lên ngồi xuống liên tục.
Phương pháp điều trị:
- Như trên cũng đã đề cập, do không có triệu chứng nào rõ ràng nên người bệnh khó phát hiện được bệnh ở giai đoạn này. Chính vì thế, phương pháp điều trị sẽ tập trung vào một vài biểu hiện như đau mỏi khớp gối.
- Trường hợp người bệnh được chẩn đoán thoái hóa khớp gối nhưng không có triệu chứng sẽ được chỉ định luyện tập thể dục khắc phục. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ giúp người bệnh điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học hơn.
- Nếu cần thiết, một vài loại thuốc bổ khớp sẽ được kê toa cho người. Những thuốc này có tác dụng kiềm hãm sự phát triển của bệnh, ngăn không cho tình trạng thoái hóa ảnh hưởng đến sức khỏe của xương khớp.
Giai đoạn 2: Thoái hóa khớp gối độ 2: Lúc này, bệnh bắt đầu có những biểu hiện tương đối cụ thể hơn giai đoạn trước. Thông qua hình ảnh chụp X quang, bác sĩ có thể nhận thấy khe khớp xuất hiện hiện tượng hẹp nhẹ, các gai xương có hình dạng rõ nét. Người bệnh sẽ cảm nhận một số biểu hiện lâm sàng như:
- Bệnh bắt đầu tiến triển, nhưng vẫn còn ở mức độ nhẹ. Tình trạng tổn thương ở lớp sụn khớp vẫn chưa diễn ra nhiều, bên cạnh đó các bao hoạt dịch vẫn duy trì được hoạt động. Khớp vẫn nhận được đủ lượng dịch cần thiết để nuôi dưỡng cho lớp sụn. Ngoài ra, ổ khớp cũng được bôi trơn bình thường.
Mặc dù vậy, trong giai đoạn thoái hóa khớp gối này, các gai xương đã bắt đầu ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh. Đặc biệt, khi người bệnh di chuyển, vận động, một số gai sẽ tác động đến mô của ổ khớp. Vì thế, nếu vận động hoặc làm việc quá sức, các vị trí này sẽ bị đau mỏi.
- Vào thời tiết lạnh hoặc khi người bệnh không vận động, khớp gối có hiện tượng xơ cứng.
Phương pháp điều trị:
- Thoái hóa khớp gối bước sang giai đoạn thứ 2 đã bắt đầu có những biểu hiện tương đối. Bệnh nhân có thể cảm nhận được những tác động tiêu cực do gai xương gây ra. Chính vì thế, người bệnh nên chú ý đến tư thế vận động, tránh thực hiện các động tác ảnh hưởng đến khớp gối.
- Ngoài ra, người bệnh cần kiểm soát cân nặng trong giai đoạn này, hạn chế tình trạng tăng cân quá mức. Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố khiến khớp gối bị thoái hóa nhanh hơn. Vì thế, người bệnh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, kết hợp luyện tập để duy trì vóc dáng cân đối.
- Một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng kèm theo thuốc điều trị ở dạng uống hoặc tiêm.
4 giai đoạn thoái hóa khớp gối
Giai đoạn 3: Thoái hóa khớp gối độ 3: Bước sang giai đoạn thứ 3, bệnh thoái hóa khớp đã bắt đầu có các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Hình ảnh X quang cho thấy khe khớp đã có những tổn thương, hiện tượng hẹp thấy rõ hơn giai đoạn 2. Bên cạnh đó, gai xương hình thành dày đặc với đủ loại kích thước khác nhau, đầu xương có dấu hiệu bị biến dạng. Người bệnh sẽ có những biểu hiện lâm sàng như sau:
- Sụn khớp lộ rõ những tổn thương. Sự hình thành gai xương không kiểm soát khiến cho khớp bị biến dạng, người bệnh khó khăn trong vận động khớp. Những cơn đau sẽ xuất hiện thường xuyên hơn. Đặc biệt, khi lên xuống cầu thang, đứng ngồi quá lâu, đi lại nhiều,…người bệnh sẽ cảm nhận rõ rệt cơn đau khớp gối.
- Bên cạnh đó, khi thời tiết thay đổi, thậm chí là buổi sáng sớm khi trời se lạnh khớp gối có hiện tượng xơ cứng. Dấu hiệu viêm, sưng càng ngày càng nặng hơn. Một vài trường hợp bệnh nhân bị tràn dịch khớp gối, vẹo khớp gối,…
Phương pháp điều trị:
- Đến giai đoạn này, bên cạnh những biện pháp hỗ trợ như điều chỉnh thói quen ăn uống, giữ cân ở mức ổn định, thực hiện luyện tập khớp gối thì người bệnh sẽ được sử dụng thuốc điều trị. Bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc giảm đau và thuốc bổ trợ khớp.
- Người bệnh sử dụng thuốc dạng uống hoặc dạng tiêm nội khớp. Nếu tình trạng nặng, bác sĩ có thể cân nhắc tiến hành phẫu thuật điều trị. Điển hình như phương pháp mổ nội soi khớp cắt lọc hoặc đục xương chỉnh trục,…
Giai đoạn 4: Thoái hóa khớp gối độ 4: Lúc này, bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng và nguy hiểm. Hình ảnh chụp X quang thu được kết quả bệnh nhân bị hẹp khe khớp nhiều, một vài trường hợp khe khớp bị hẹp gần như toàn bộ. Bên cạnh đó, xương dưới sụn bị đặc, các gai xương lớn hơn về kích thước khiến cho đầu xương biến dạng rõ rệt. Các biểu hiện lâm sàng của người bệnh ở giai đoạn này là:
- Lớp sụn bị bào mòn gần như hoàn toàn khiến cho đầu xương lọ rõ. Các bao hoạt dịch bị tổn thương dẫn đến ổ khớp không được bôi trơn mỗi khi người bệnh di chuyển. Vì thế, bệnh nhân bị hạn chế trong việc vận động khớp gối, đau nhức dữ dội ở khu vực này. Khi vận động, người bệnh còn nghe rõ được tiếng lạo xạo bên trong do các đầu xương va chạm với nhau.
- Những cơn đau càng tăng lên nếu người bệnh cố gắng vận động. Buổi sáng, khớp bị xơ cứng nặng. Khớp gối có hình dạng khác thường, lệch trục, viêm khớp gối nặng và tràn dịch ở khớp gối.
Phương pháp điều trị:
- Giai đoạn cuối cùng của thoái hóa khớp gối, người bệnh cần kết hợp vật lý trị liệu với các biện pháp nội khoa khác. Mục tiêu là giảm thiểu những tổn thương, góp phần phục hồi những biến dạng do thoái hóa gây ra.
- Trường hợp phương pháp nội khoa không còn hiệu quả, bác sẽ sẽ cân nhắc tiến hành phẫu thuật nội soi, đục xương chỉnh trục hoặc thay khớp cho bệnh nhân.
Trên đây là các giai đoạn của bệnh thoái hóa khớp gối, hy vọng đã giúp các bạn có được những thông tin cần thiết để phòng tránh cũng như điều trị bệnh hiệu quả. Tất cả chúng ta nên thăm khám định kỳ để sớm phát hiện những vấn đề của cơ thể là cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Nguồn: SAIGON-ITO
Bệnh viện Quốc tế CTCH Sài Gòn | Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận | |
---|---|---|
TỔNG ĐÀI TỪ THỨ 2 ĐẾN THỨ 7: 7h00-16h30 |
028 3991 2030 | 028 3844 1399 |
ĐẶT HẸN KHÁM BỆNH TỪ THỨ 2 ĐẾN THỨ 7: 7h00-16h30 |
028 3991 2030 | 028 3997 3679 |
ĐẶT HẸN KHÁM BỆNH SAU 16H30, CHỦ NHẬT & LỄ, TẾT |
028 3991 2030 | 028 3844 1399 |
CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG TỪ THỨ 2 ĐẾN THỨ 7: 7h00-16h30 |
0901 800 853 | 0901 800 856 |
CẤP CỨU 24/7 | 028 3991 2029 | 028 3845 6139 |
BAN GIÁM ĐỐC | 0918 47 47 16 | 0988 08 14 11 |
SỞ Y TẾ | 0967 77 10 10 | 0967 77 10 10 |