Loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất.
Bệnh loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ xương và tổn thương vi cấu trúc của xương bao gồm cả cấu trúc hữu cơ và cấu trúc vô cơ. Điều này làm suy giảm sức mạnh của xương, khiến cho xương dễ bị gãy, đây cũng chính là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương.
Theo thống kê cho thấy, phụ nữ dễ bị loãng xương hơn nam giới. Sau đây là một số nguyên nhân chính:
Loãng xương do mang thai:
- Thiên chức mang thai và sinh con là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng bộ xương của phụ nữ. Nguyên nhân là khi mang thai, thai nhi rất cần đến khoáng chất và canxi để phát triển thành cơ thể hoàn chỉnh. Lượng canxi này được trực tiếp lấy từ mẹ. Nếu cơ thể người mẹ không được cung cấp đủ lượng canxi trong giai đoạn này thì lượng canxi cần thiết cho thai nhi được lấy từ cơ thể mẹ. Vì thế khi mang thai và sinh con, xương phụ nữ dễ bị xốp và loãng xương.
- Loãng xương cũng có thể ảnh hưởng đến người trẻ, bao gồm những phụ nữ tiền mãn kinh tuổi từ 20, 30 và 40. Một số phụ nữ trẻ, có mật độ xương thấp, có nguy cơ bị loãng xương.
Thay đổi nội tiết tố:
- Phụ nữ phải trải qua sự dao động nội tiết tố ở các thời kỳ và giai đoạn khác nhau trong suốt cuộc đời như: trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, sau khi sinh và thời kỳ mãn kinh.
- Đặc biệt, sự sụt giảm mạnh về nồng độ hormone estrogen trong thời kỳ mãn kinh của phụ nữ, làm gia tăng quá trình hủy xương, giảm sự hấp thụ canxi làm giảm mật độ xương.
Tại sao phụ nữ dễ bị loãng xương hơn đàn ông?
Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân dẫn đến bệnh loãng xương:
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương.
- Người trên 70 tuổi.
- Phụ nữ sinh từ 3 con trở lên, phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.
- Những người thấp bé, nhẹ cân.
- Những người có nghề nghiệp tĩnh tại và không tập luyện thể dục thể thao.
- Người mắc một số bệnh lý như: cường giáp, suy thận, cắt dạ dày - ruột, cắt buồng trứng,...
- Những người sử dụng một số loại thuốc kéo dài như thuốc corticosteroid, thuốc chống động kinh, thuốc lợi tiểu,...
- Người có chế độ dinh dưỡng thiếu canxi, vitamin D và các nguyên tố vi lượng khác.
- Những người có lối sống không lành mạnh như: hút thuốc lá, uống nhiều rượu, cafe, trà đặc,...
Như vậy có rất nhiều nguyên nhân gây loãng xương, có một số nguyên nhân chúng ta không thể kiểm soát được, nhưng cũng có không ít nguyên nhân chúng ta có thể kiểm soát được. Kiểm soát tốt các nguyên nhân đó chính là biện pháp phòng bệnh loãng xương hiệu quả nhất mà các bạn có thể làm.
Nguồn: SAIGON-ITO